Fuchsia (hay Fuchsia OS) là một hệ điều hành mới được Google bắt đầu xây dựng từ năm 2016. Cho đến nay, ngoại trừ việc công bố mã nguồn của Fuchsia, Google tiết lộ rất ít về dự án này. Vì vậy, việc tìm ra lý do về sự tồn tại của hệ điều hành này vẫn là một câu hỏi để ngõ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể suy đoán được một số lý do phía sau việc Google phát triển Fuchsia qua các sự kiện liên quan.
Đặc tả kỹ thuật
Để hiểu được về Fuchsia, chúng ta cần phải đi qua một số chi tiết kỹ thuật của nó. Fuchsia được xây dựng từ kernel (hay nhân) với tên mã là Magenta nhưng về sau được đổi thành Zircon. Theo mã nguồn của Zircon được Google công bố trên GitHub, nó là một kernel theo kiến trúc microkernel (vi nhân) và hoàn toàn độc lập với kernel của một số hệ điều hành đang phổ biến hiện nay như là Linux và Microsoft Windows. Theo các đặc tả của Google, Fuchsia sẽ là một hệ điều hành thời gian thực (Real Time Operating System hay RTOS) và có đối tượng là các hệ thống nhúng (embedded system). Thành phần giao diện người dùng của Fuchsia được tạo ra từ một dự án khác có tên là Armadillo. Cho đến nay, vẫn không có nhiều thông tin về Armadillo, tuy nhiên, đã có một số hình ảnh ban đầu về hệ thống giao diện này:
Fuchsia sẽ giải quyết điều gì?
Chắc hẳn đến đây bạn sẽ thắc mắc: Nếu như vậy, tại sao Google cần phát triển Fuchsia trong khi công ty đang nắm trong tay hàng loạt các hệ điều hành cho các thiết bị di động và hệ thống nhúng: từ Android đến Chrome OS, Wear OS …? Trong đó, Android đã hầu như bất khả chiến bại trong thị trường di động cũng như các hệ thống nhúng. Vậy thì Fuchsia sẽ đứng ở đâu?
Không thể phủ nhận Android và hệ sinh thái của nó gần như bao trùm toàn bộ thị trường di động. Tuy nhiên, mặc dù hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu về thương mại, Android có một số nhược điểm như sau:
- Android được phát triển từ năm 2006 với mục tiêu ban đầu là cho các thiết bị có bàn phím, tuy về sau Android được thêm tính năng để hỗ trợ tương tác cho touch screen, nó vẫn là một hệ điều hành được thiết kế với các thiết bị cũ. Một trong những hạn chế lớn nhất của Android hiện nay là các chức năng hỗ trợ giọng nói trong khi các thiết bị với tính năng hỗ trợ tiếng nói ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường. Vì vậy, cần có một hệ điều hành với kiến trúc mới có thể hỗ trợ các tính năng này
- Android phụ thuộc vào Java: Cho đến nay, Google vẫn còn những rắc rối pháp lý với bản quyền của Java với Oracle (công ty sở hữu Java) khi phát triển Android. Điều này không ảnh hưởng nhiều đến người dùng cũng như các nhà phát triển ứng dụng. Nhưng nó đã và luôn gây khó khăn cho Google trong việc phát triển Android. Nếu Fuchsia không dùng Java, Google sẽ có cơ hội để thoát ra khỏi mối ràng buộc này.
- Kernel của Android là một kernel tùy biến của Linux. Đây là một điều tốt nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định. Linux là một hệ điều hành ổn định và được phổ biến rộng rãi, vì vậy việc hỗ trợ kỹ thuật cho Android tương đối tốt. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là chu kỳ cập nhật cũng như nâng cấp kernel của Android hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình cập nhật của kernel Linux, Google không thể chủ động trong vấn đề này.
- Tình trạng phân mảnh của Android: có quá nhiều phiên bản khác nhau của Android trên thị trường, từ các nhà phát triển đến các công ty sản xuất thiết bị (Samsung, LG, Huawei), và ngay cả chính Google (Android Auto, Android TV, …). Mỗi phiên bản Android lại có thể được tùy biến và nhắm đến các thiết bị khác nhau. Vì vậy, Google phải tốn rất nhiều công sức mà vẫn không thể bảo đảm các bản cập nhật cần thiết sẽ được cài đặt trên mỗi phiên bản Android trên thị trường.
Như vậy, sớm hay muộn gì thì Google cần phải giải quyết tất cả các vấn đề đang tồn đọng với Android, và không nghi ngờ gì Fuchsia có thể là một câu trả lời hoàn hảo cho tất cả các vấn đề mà chúng ta vừa đề cập ở trên.
Các dấu hiệu
Dù Google chưa bao giờ khẳng định mục tiêu thật sự cũng như lịch trình cụ thể của Fuchsia, có nhiều dấu hiệu cho thấy công ty đang nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của hệ điều hành mới này.
Dấu hiệu đầu tiên là việc tăng cường phát triển ngôn ngữ lập trình Dart và framework đi kèm với nó là Flutter để xây dựng các ứng dụng di động. Thật ra Dart đã được Google giới thiệu từ năm 2011 nhưng vẫn không nhận được nhiều ủng hộ của các nhà phát triển. Thậm chí khi Flutter được giới thiệu vào 2015 trên nền Dart để hỗ trợ cho việc lập trình đa nền (các ứng dụng viết bằng Flutter có thể chạy trên cả iOS và Android mà không cần phải viết lại mã nguồn), các lập tình viên vẫn không tỏ ra mặn mà với Dart. Nhưng mọi sự đã thay đổi kể từ 2018 sau khi Google công bố các thay đổi cho Dart và Flutter sau sự kiện “Flutter Super Charge” vào tháng 4 năm 2018. Kể từ đó, thứ hạng của Dart đã tăng đáng kể trên các bảng xếp hạng cũng như các thăm dò về ngôn ngữ lập trình.
Bên cạnh đó, mã nguồn của Fuchsia (https://fuchsia.googlesource.com/fuchsia/) cũng được cập nhật liên tục. Một trong các thay đổi quan trọng gần đây nhất cho phép các ứng dụng Android chạy trên Fuchsia.
Và cuối cùng là số nhân sự trong dự án Fuchsia, theo các thông tin được cập nhật gần nhất, hiện nay đội ngũ phát triển của Fuchsia tại Google đã lên đến hơn 100 nhân viên. Tháng 2 năm nay, Google cũng đã tuyển mộ Bill Stevenson – kỹ sư cao cấp của Apple đã làm việc với Mac OS hơn 14 năm – để tham gia dự án này.
Như vậy, từ các dấu hiệu này, chúng ta có thể thấy được sự cam kết của Google trong dự án Fuchsia. Và như một trong các lập trình viên chủ chốt của dự án này – Travis Geiselbrecht – đã nói: “Fuchsia không phải là một dự án cho vui, không phải là dự án 20% (các nhân viên Google được phép dùng 20% thời gian làm việc cho các dự án cá nhân có tiềm năng), nó không phải là nơi để chứa các ý tưởng chết”.
Lịch trình
Google cũng không công bố lịch trình cũng như thời điểm phát hành chính thức của Fuchsia. Giới quan sát dự đoán Fuchsia sẽ được chính thức ra mắt sau 5 năm nữa kể từ 2018. Tuy nhiên, tin tức này không được Google xác nhận.
Một dự đoán nữa về quá trình phát hành của Fuchsia là Google sẽ thúc đẩy các ứng dụng được viết bằng Dart với framework Flutter và giao diện Material để tạo thành một giao diện thống nhất trên các nền tảng khác nhau. Sau đó, các thành phần Android trong các thiết bị di động sẽ được thay thế dần bời Fuchsia nhưng người dùng cuối sẽ không nhận ra các thay đổi này bởi họ vẫn sử dụng cùng một giao diện.
Khó khăn
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng khó khăn lớn nhất mà Fuchsia phải đối diện nếu nó muốn thay thế Android là hệ sinh thái của nó. Ngày nay, Android chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường di động với một số lượng ứng dụng khổng lồ. Việc chuyển giao từ Android sang Fuchsia phải bảo đảm rằng các ứng dụng này phải chạy trơn tru trên nền tảng mới. Đây là một thách thức kỹ thuật không nhỏ, dù là với một công ty có tầm cỡ như Google. Bên cạnh đó, Google cũng phải tìm ra cách kích thích để giới phát triển ứng dụng tích cực hỗ trợ cho nền tảng mới mẽ này. Và đây là điểm khó vì Google chưa bao giờ chứng tỏ được rằng nó có khả năng tiếp thị tốt các sản phẩm của mình.
Lý do để bắt đầu tìm hiểu về Fuchsia
Đến đây, có thể bạn lại tự hỏi: như vậy, các thông tin về Fuchsia vẫn còn mơ hồ và không có gì cụ thể. Tại sao chúng ta lại phải tốn công tìm hiểu về nó? Đơn giản là vì đây có thể là một nền tảng quan trọng từ sau khi Android được tạo ra. Với vai trò là người phát triển ứng dụng cho các nền tảng di động, bạn sẽ cần phải trong tư thể sẵn sàng để phát hành các ứng dụng của mình khi Fuchsia được ra mắt. Nếu bạn chờ đến khi đó mới bắt đầu tìm hiểu về nó, bạn sẽ mất cơ hội để phát hành sản phẩm của mình trên nền tảng mới.
Dĩ nhiên Fuchsia cũng có thể là một dự án thất bại như nhiều dự án khác của Google. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có chuẩn bị trong trường hợp Fuchsia thành công. Khi đó, sự đầu tư của chúng ta sẽ đem lại kết quả mỹ mãn.